Lễ hội Minh thề (hay còn gọi Miêng thệ - lời thề miệng) hằng năm diễn ra vào mùa Xuân (ngày 14, 15, 16 tháng Giêng), được Nhân dân tổ chức trọng thể tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đền chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ thành phố Hải Phòng.
Sử sách ghi lại rằng, năm 1561 Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (vợ Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung) đến lập ấp Lan Niểu (nay là thôn Hòa Liễu) xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ vận động dân làng mở rộng diện tích chùa, làm mới tượng Phật. Bà đã xuất tiền mua 25 mẫu, 8 sào, 2 thước ruộng. Sau đó, những người dân trong làng thấy việc cung tiến ở chùa mang lại phúc đức nên cung tiến cả ruộng vườn vào chùa. Diện tích chùa và đất canh tác lên tới 47 mẫu, 8 sào, 2 thước. Số ruộng này làng gọi là “Thánh điền”, một phần diện tích dành cho nhà chùa, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và lập quỹ “nghĩa thương”, phòng khi đói khó, cấp đỡ cho người nghèo.
Những người sử dụng ruộng công phải trả lại một phần hoa màu theo quy định để làm quỹ dự trữ dùng vào việc cứu đói, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Lương thực dư thừa được tích trữ hàng năm khoảng 3 tấn thóc, do người có chức sắc trong làng giữ. Để không xảy ra tình trạng tham nhũng của công, Thái Hoàng Thái hậu cùng với dân làng đã lập ra Hịch văn Hội Minh thề.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.thanhtravietnam.vn/data/0/images/2025/01/21/upload_2143/hich-van-le-hoi-minh-the.png?dpi=150&quality=100&w=780) |
Chủ lễ đọc Hịch văn tại lễ hội Minh thề. Ảnh:ĐVN |
Vào ngày chính lễ Hội, dân làng dựng một đài thề trước cửa chùa Hòa Liễu. Ban thờ được sắp đặt rất đơn giản, trang nghiêm, nổi bật là chiếc mũ quan - đặt trang trọng lên chính diện ban thờ. Chiếc mũ cổ của thành hoàng làng được đặt ở vị trí cao nhất trên đài thề. Các chức sắc địa phương và người dân dự lễ ngồi theo thứ tự phía dưới. Theo tục lệ xưa, chủ lễ phải là bậc cao niên, gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.thanhtravietnam.vn/data/0/images/2025/01/21/upload_2143/khu-tuong-niem-vuong-trieu-mac.png?dpi=150&quality=100&w=780) |
Khu tưởng niệm vương triều Mạc, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng. Ảnh: ĐVN |
Sau lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước… lễ tuyên thệ bắt đầu. Một con dao thiêng bọc vải hồng điều được trao cho chủ lễ. Chủ lễ dùng con dao này vẽ một vòng tròn tượng trưng trước đài thề và cắm dao vào chính giữa vòng tròn ấy rồi dùng con dao thiêng này cắt tiết gà. Nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề diễn ra rất cầu kì theo một quy định truyền thống từ ngàn đời. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề. Tiết gà được pha với rượu chia đều cho mỗi người một chén nhỏ như thể hiện sự đồng tâm của cả cộng đồng. Trong khói hương nghi ngút, những lời thề với thần linh, với tổ tiên âm vang cả một góc trời.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.thanhtravietnam.vn/data/0/images/2025/01/21/upload_2143/le-hoi-minh-the.png?dpi=150&quality=100&w=780) |
Các nghi lễ được tiến hành trong Lễ Hội. Ảnh:ĐVN |
Hịch văn lễ hội Minh thề là “Rỹ công vì công, nguyện chư thần ủng hộ, nhược hữu tham tâm, rỹ công vì tư tự nguyện chư thần đả tử” - tạm dịch: “Lấy của công vì việc công thì được thần linh ủng hộ, nhược bằng nếu có lòng tham lấy của công về làm của tư, nguyện cầu các vị thần linh đánh chết”.
Sau lễ hội Minh thề trang nghiêm, dân làng Hoà Liễu như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
Đến thế kỷ XIX, Triều đình nhà Nguyễn sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho Lễ hội Minh thề. Sau thời gian gián đoạn, năm 1993, Cụm di tích đền - chùa Hòa Liễu được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, Lễ hội Minh thề được khôi phục. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, năm 2002, Lễ hội Minh thề được chính quyền và người dân địa phương khôi phục lại, giữ nguyên được giá trị văn hóa. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL ngày 08/5/2017 công nhận “Hội Minh thề” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Gìn giữ lễ hội như một nét đẹp truyền thống giáo dục, gắn kết cộng đồng
Nhiều năm trở lại đây, lễ hội Minh thề lại thu hút thêm đông đảo người dân, du khách thập phương và cũng được chính quyền địa phương dành sự quan tâm đặc biệt hơn. Trải qua nhiều thế kỷ, với biết bao thăng trầm, biến đổi của thời cuộc, Nhân dân làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng vẫn gìn giữ lễ hội như một nét đẹp truyền thống giáo dục, gắn kết cộng đồng.
Hịch văn Minh thề trở thành một hệ tư tưởng mở, luôn bồi đắp những giá trị mới cho phù hợp, có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương. Đồng thời, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người được kế tục qua nhiều thế hệ, có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài. Hịch văn Hội Minh thề như viên ngọc sáng trong kho tàng văn hóa truyền thống của một vùng quê, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống, tình làng, nghĩa xóm cho các thế hệ người dân nơi đây.
Lễ hội Minh thề mang những giá trị sâu sắc, độc đáo, đặc biệt có tính thời sự về xây dựng trật tự, kỷ cương, tinh thần thượng tôn pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí cho các thế hệ. Qua đó, giáo dục, định hướng Nhân dân cách sống, phẩm chất đạo đức trung thực, chí công vô tư...
Đây cũng là sợi dây kết nối tình làng nghĩa xóm, tình yêu thương đùm bọc, tinh thần tương thân tương ái trong xã hội cộng đồng làng xã, làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa miền quê đất Cảng...
Gần 500 năm đã trôi qua, Lễ hội Minh thề làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ hàng năm như hồn cốt góp phần tạo dựng nên đạo lý “Chí công vô tư”, định hướng, giáo dục mọi người, từ chức sắc đến Nhân dân làm việc thiện, không làm điều ác, không tham nhũng, lấy của công làm của tư. Từ đó góp phần tạo nên sự đoàn kết, tập trung để dân làng Hòa Liễu đứng vững trước mọi thử thách cam go trong lịch sử trường tồn. Những lời thề thiêng liêng tại lễ hội vẫn mang tính thời sự, vẹn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau.
Tính thời sự về tinh thần phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Thực tế cho thấy, trong từng lĩnh vực công tác, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã gắn việc tu dưỡng “Liêm”, “Chính” trong “tứ đức” (Cần, Kiệm, Liêm, Chính) với nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ đó, góp phần xây dựng những giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sáng tạo, tạo động lực đưa công cuộc đổi mới vượt qua những khó khăn, thách thức mới, tiếp tục giành được những thành tựu mới và không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, song song với sự phát triển, đất nước cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Một trong số đó chính là vấn nạn tham nhũng, tiêu cực. Đó như là một thứ “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Hơn lúc nào hết, uy tín của Đảng và lòng tin của Nhân dân với Đảng gắn liền với sự tu dưỡng và gương mẫu thực hành đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Để đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Nhân dân luôn vững tâm tin theo Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, một trong những đòi hỏi cấp bách và xuyên suốt là phải đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm cho Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả rất quan trọng; tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc toàn bộ hệ thống chính trị đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã và đang góp phần quan trọng vào thành công của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngày 15/9/2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện đớn hèn vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Từ lời dạy của Cố Tổng Bí thư, thiết nghĩ, mỗi cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức cần thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Phải luôn coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị để mỗi người biết liêm sỉ, trọng danh dự và tự “miễn nhiễm” trước những cám dỗ quyền lực, vật chất.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.thanhtravietnam.vn/data/0/images/2025/01/21/upload_2143/phi-vat-the-quoc-gia.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Lễ đón nhận lễ hội Minh Thề là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh:ĐVN |
Lễ hội Minh Thề vì thế cũng là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân... cần nhận thức đầy đủ vai trò tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự trau dồi - tự phê bình - tự rèn giũa mình để luôn có lý tưởng và nhân cách của người cách mạng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng hiện nay./.
Sau lễ hội Minh thề trang nghiêm, dân làng Hoà Liễu như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước. |