Cần Thơ: Xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ sáu, 12/07/2024 13:15
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn Cần Thơ luôn chủ động nắm tình hình tại cơ sở, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra điểm nóng, khiếu nại đông người gây mất an ninh, trật tự.

Giải quyết gần 97% vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền

UBND thành phố Cần Thơ luôn xác định công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố luôn được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ lãnh đạo, công chức trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai các văn bản mới của Trung ương và địa phương về thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khiếu nại, tố cáo cũng được lồng ghép tổ chức tại các buổi hội nghị, sinh hoạt của các câu lạc bộ pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý, các cuộc hòa giải ở cơ sở cho cán bộ, công chức và Nhân dân. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 63 cuộc với 3.497 lượt cán bộ, công chức và Nhân dân tham dự. Qua đó, ý thức pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng cao trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Tiếp công dân thành phố Cần Thơ. Ảnh: PV

Trong công tác tiếp công dân, công dân đến Trụ sở Tiếp công dân các cấp và điểm tiếp công dân của các cơ quan hành chính để khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2024 giảm 249 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Trong kỳ, các cơ quan hành chính đã tiếp 823 lượt với 840 người và có 03 lượt tiếp đoàn đông người với 16 người kiến nghị, phản ánh về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và quản lý trật tự đô thị...... (tăng 03 đoàn so với cùng kỳ). Công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Thủ trưởng cơ quan hành chính được duy trì thường xuyên theo quy định.

Các cấp, các ngành đã tiếp nhận 1.389 đơn (trong đó có 1.189 đơn tiếp nhận trong kỳ và 200 đơn kỳ trước chuyển sang), giảm 78 đơn so với cùng kỳ năm 2023 với 1.272 đơn đủ điều kiện xử lý. Qua phân loại, xử lý có 430 đơn thuộc thẩm quyền (khiếu nại 67 đơn; tố cáo 05 đơn; phản ánh, kiến nghị 358 đơn).

Các ngành, các cấp của thành phố đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền giải quyết 413/427 vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đạt 96,72%, trong đó đã giải quyết 51/64 vụ việc khiếu nại, 04/05 vụ việc tố 5 cáo và 358/358 vụ việc phản ánh, kiến nghị; các vụ việc còn lại đang tiếp tục xác minh và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định.

Trong công tác thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; qua rà soát, trên địa bàn thành phố có 11 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đến nay, đã giải quyết dứt điểm 08 vụ việc, còn 03 vụ việc đang tiếp tục xem xét giải quyết.

Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khiếu nại, tố cáo hiện nay do các chính sách, pháp luật về đất đai chậm được sửa đổi để giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế nên có những yêu cầu, đòi hỏi không đúng quy định pháp luật, có những vụ việc đã được giải quyết, xem xét nhiều lần vừa có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết.

Ngoài ra, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn từ khi có quyết định phê duyệt quy hoạch dự rán, đến trình tự, thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư,... đôi lúc chưa đảm bảo chặt chẽ theo quy định.

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là công tác quản lý lý và sử dụng đất đai, nhà ở, tài nguyên, môi trường, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội...

Một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo đánh giá của UBND TP Cần Thơ, thời gian qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Lãnh đạo được chú trọng; ý thức trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được nâng lên; việc đôn đốc, tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo được quan tâm.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, cụ thể trong là trong công tác kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị trong thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa được thường xuyên, kịp thời dẫn đến thời gian thụ lý, giải quyết còn kéo dài, làm phát sinh đơn khiếu nại vượt cấp.

Công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, hình thức tuyên truyền chưa phong phú; chủ yếu tổ chức lồng ghép trong các cuộc họp cơ quan, hội thảo.

Ngoài ra, việc kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/ 3/2019 của Thanh tra Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn 03 vụ trên địa bàn quận Ô Môn chưa tổ chức thực hiện dứt điểm, đang tiếp tục thực hiện.

Có thể thấy, để xảy ra các tồn tại trên có nguyên nhân từ công tác tham mưu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân tại một vài địa phương, nhất là phường, xã còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm; cơ sở vật chất phục vụ tiếp công dân của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, nhất là tuyên truyền về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở một số dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chưa được thường xuyên. Đặc biệt, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo do lịch sử để lại, qua nhiều cơ quan giải quyết, một số quy định của pháp luật thay đổi, ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố trong những tháng cuối năm, UBND TP Cần Thơ xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo …

Thứ hai, thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất tại Trụ sở Tiếp công dân của thành phố, Trụ sở Tiếp công dân quận, huyện và địa điểm tiếp công dân của các đơn vị. Tiếp tục đôn đốc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là tiếp tục tuyên truyền Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị định số 31/2019/ND-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo và Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thứ tư, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng theo quy định. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kịp thời chỉ đạo đơn vị, địa phương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tồn tại, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm pháp luật. Đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, kết luận giải quyết tố cáo.

Thứ năm, tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ trên 95% trong thời hạn quy định của pháp luật đối với các vụ việc mới phát sinh. Tăng cường hoạt động gặp gỡ, đối thoại giữa chính quyền các cấp với các tổ chức, công dân, chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thường xuyên đôn đốc, nắm bắt thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn để có giải pháp xử lý kịp thời.

Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường kỷ luật kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và công dân vi phạm pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thứ bảy, tập trung chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân sách và các vấn đề khác có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Vũ Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra