Tính chất đoàn khiếu kiện đông người có phần gay gắt hơn
Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, việc thực hiện dự án, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và công tác quản lý về đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của công dân, phát sinh nhiều khiếu kiện.
Song với sự quan tâm, lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nhất định.
Năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết 1.023/1.120 vụ việc khiếu nại, đạt 91%; qua đó đã giải quyết quyền lợi cho các cá nhân với số tiền 1.360 triệu đồng và 755m2 đất. Đồng thời, đã giải quyết 79/102 vụ việc tố cáo, đạt 77%, còn 23 vụ đang trong thời hạn giải quyết. Qua giải quyết tố cáo đã có 19 cá nhân bị xử lý hành chính (trong đó có 10 cán bộ, công chức, viên chức), thu hồi cho Nhà nước 139,4 triệu đồng.
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, mặc dù, số lượng đơn thư khiếu kiện trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 có chiều hướng giảm số đơn và số đoàn đông người so với cùng kỳ năm trước nhưng tính chất đoàn khiếu kiện đông người có phần gay gắt hơn.
Đặc biệt, một số đoàn đông người có đơn thư vượt cấp, kéo ra Trung ương khiếu kiện, như: Một số công dân ở khu phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn; một số công dân ở xã Yến Sơn, huyện Hà Trung; một số công dân xã Thiệu Giang, huyện Thiệu Hóa... Mặc dù, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tham mưu giải quyết, tổ chức nhiều cuộc họp để tìm biện pháp giải quyết; Bí thư Tỉnh ủy và Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp, đối thoại với công dân nhưng vẫn còn một số vụ việc công dân không đồng ý và tiếp tục khiếu kiện. Cá biệt, có một số trường hợp không hợp tác, có hành vi cố tình chống đối, vi phạm pháp luật phải xử lý.
|
|
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tham luận tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Thanh tra năm 2024 tại điểm cầu Thanh Hóa. (Ảnh: baothanhhoa.vn) |
Số lượng đơn giảm nhưng tính chất gay gắt, nguyên nhân do dâu?
UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thực tiễn công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế và khó khăn, vướng mắc. Trong đó, người đứng đầu một số đơn vị ở cấp cơ sở chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC nên chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, thường xuyên, dẫn đến việc phân loại, xử lý đơn, giải quyết một số vụ việc còn chậm, lúng túng trong xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết.
Đáng nói, một số vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định, hết thẩm quyền, thậm chí đã được Tòa án nhân dân các cấp có bản án, nhưng công dân cố tình kéo ra Trung ương nhằm gây áp lực, gây rối tình hình, mất an ninh trật tự.
Hơn nữa, một số công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu xử lý KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân còn thiếu kinh nghiệm thực tế hoặc phải kiêm nhiệm nhiều công việc, dẫn đến việc tham mưu cho lãnh đạo đơn vị về công tác này còn hạn chế.
Theo quy định của pháp luật về đất đai, Nhà nước chỉ được thu hồi đất khi đã bố trí được các mặt bằng tái định cư. Tuy nhiên, để xây dựng khu tái định cư thì phải theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai. Cùng với đó, do nguồn ngân sách tỉnh hạn chế nên chưa đủ nguồn lực để làm sẵn các mặt bằng tái định cư nên gặp nhiều khó khăn khi thu hồi đất và bố trí tái định cư.
5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC và hạn chế khiếu kiện phức tạp, vượt cấp, không để phát sinh hình thành “điểm nóng”, năm 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung thực hiện hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC cho Nhân dân; đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; triển khai thực hiện hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Hai là, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước phải chấp hành nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và tiếp đột xuất; chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời đối với từng vụ việc, ngay từ khi phát sinh vụ việc. Nâng cao chất lượng các quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận nội dung tố cáo; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình xác minh, rà soát, giải quyết KNTC; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nhà nước trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Ba là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu kiện, như đất đai, chính sách xã hội, tổ chức, cán bộ, quản lý tài chính, ngân sách, thu chi đóng góp của Nhân dân; làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
Bốn là, tiếp tục rà soát các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng để có kế hoạch giải quyết dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; không để các thế lực thù địch, đối tượng xấu lợi dụng tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước.
Năm là, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan nội chính các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, nhất là với những vụ việc phức tạp, đông người; tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở./.