Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của Đảng, Nhà nước
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm đến công tác tiếp công dân nói riêng cũng như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung. Theo đó, vào những ngày đầu tháng 10 năm 1945 trong một bài báo Hồ Chủ tịch đã chỉ đạo chính quyền các cấp “Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới” và ngày 23/11/1945 Người đã ký Sắc lệnh số 64/SL về thành lập Ban thanh tra đặc biệt và đã xác định một trong những nhiệm vụ của Ban thanh tra đặc biệt là “Nhận các đơn khiếu nại”; có quyền gặp trực tiếp người lãnh đạo cơ quan nhà nước để bày tỏ nguyện vọng hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước. Ban thanh tra đặc biệt có trách nhiệm “phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới”, cũng như phải tiếp dân khi người dân đến gặp trực tiếp.
Xuyên suốt, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư có tầm quan trọng trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở nước ta. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn thư. Ngày 23/9/1989, Ban Bí thư có Thông báo số 164-TB/TW về việc tiếp công dân và bảo vệ Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước, trong đó quy định Trụ sở tiếp công dân chung của Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng (tại Hà Nội) được thành lập “để tiếp cán bộ, đảng viên, nhân dân lên Trung ương khiếu tố, kiến nghị và phản ánh tình hình.
Văn phòng Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng cử cán bộ có đủ năng lực, thẩm quyền đến Trụ sở để tiếp, xử lý phần việc thuộc cơ quan mình”, Trụ sở được đặt tại địa chỉ số 1 phố Mai Xuân Thưởng, phường Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đến năm 1993 tiếp tục thành lập Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh. Phụ trách Trụ sở được giao cho Cục I, Cục III thuộc Thanh tra Chính phủ, nội dung liên quan đến tiếp nhận và xử lý đơn thư thuộc Văn phòng Thanh tra Chính phủ. Năm 2013, hợp nhất bộ phận tiếp công dân thuộc Cục I, Cục III và bộ phận xử lý đơn thư thuộc Văn phòng Thanh tra Chính phủ thành lập Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư.
|
|
Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội. Ảnh: P.V |
Đến ngày 25/11/2013, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII ban hành Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất từ trước đến nay, quy định đầy đủ và toàn diện hơn về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tiếp công dân.
Thực hiện Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13, ngày 14/7/2014 Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1616/QĐ-TTCP thành lập Ban Tiếp công dân Trung ương, thay thế Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư quy định tại Điều 3, Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 của Chính phủ. Ban Tiếp công dân trung ương có chức năng tham mưu, giúp Tổng Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất việc xử lý đơn thư gửi đến Thanh tra Chính phủ; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội ở số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông và Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh ở số 35 Hồ Ngọc lãm, quận Bình Tân là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, gồm 08 cơ quan: Văn phòng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quyết tâm vượt khó, trưởng thành qua thời gian
Ngày đầu thành lập, vào năm 2014 Ban có tổng số 40 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, với 33 biên chế công chức hành chính (04 lãnh đạo Ban, 12 lãnh đạo cấp phòng, 17 công chức nghiệp vụ, 01 viên chức biệt phái, 06 nhân viên hợp đồng 68), được tổ chức thành 04 phòng: Tổng hợp; Xử lý đơn thư; Tiếp dân 1 tại Hà Nội và Tiếp dân 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 06/08/2018, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTCP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Ban. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Ban gồm: Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và 05 phòng chuyên môn (phòng Tổng hợp, phòng Tiếp công dân 1, phòng Tiếp công dân 2, phòng Xử lý đơn thư và phòng Theo dõi, đôn đốc). Số lượng cán bộ, công chức và người lao động được giao tại Ban là 43, hiện nay Ban có tổng số 42 cán bộ, công chức, người lao động (34 tại Hà Nội, 08 tại Thành phố Hồ Chí Minh); trong đó có 33 biên chế công chức hành chính và 09 hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Việc thành lập Ban TCDTW thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác tiếp dân, nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, đồng thời làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; góp phần tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Mặt khác, công tác tiếp công dân giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Càng ý nghĩa hơn, khi cách đây 10 năm, tại buổi công cố quyết định thành lập Ban TCDTW, tập thể cán bộ, công chức, người lao động của Ban vinh dự được đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới, bảo đảm Ban TCDTW hoạt động kịp thời và triển khai ngay các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban TCDTW phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như: Quán triệt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Ban TCDTW; tổ chức chu đáo việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (KNTC, KNPA) với Đảng và Nhà nước tại Trụ sở TCDTW; tổ chức tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn KNTC, KNPA; tăng cường theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết KNTC, KNPA do Ban TCDTW chuyển đơn; làm tốt công tác chuẩn bị, tham mưu để các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan Trung ương tiếp công dân.
Với các ý kiến chỉ đạo, cũng như kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Tổng Thanh tra Chính phủ, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động của Ban TCDTW luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, vượt khó, phát huy tích cực, ưu điểm, khắc phục tồn tại, hạn chế để luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.