Thanh toán không dùng tiền mặt: Giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng

Thứ tư, 22/01/2025 10:51
(ThanhtraVietNam) - Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế của ngành Ngân hàng đã góp phần minh bạch hóa các giao dịch tài chính, hỗ trợ hạn chế hoạt động kinh tế ngầm, rửa tiền và góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng

Kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước liên quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Tổng Thanh tra đề nghị phối hợp phòng, chống tham nhũng

Kết quả phòng, chống tham nhũng khu vực tư

Thành ủy Hà Nội đưa vụ án liên quan TikToker Mr. Pips vào diện theo dõi

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thanh tra công an

Giải pháp phòng ngừa tham nhũng của ngành Tài chính

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những năm qua, nhiều chính sách lớn, giải pháp mạnh để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã được đề ra và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng TTKDTM mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50% về số lượng; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh điện thoại di động đạt hơn 100% cả về số lượng và giá trị; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50% về số lượng; đặc biệt, giao dịch qua phương thức QR code phát triển mạnh mẽ, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 100% cả về số lượng và giá trị.

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân hơn 200 triệu, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2019, số lượng thẻ đang lưu hành đạt gần 160 triệu thẻ, tăng khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2024,  số lượng TTKDTM đạt hơn 16 tỷ giao dịch với doanh số giao dịch đạt khoảng 270 triệu tỷ đồng, tăng 7,8 lần về số lượng và 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này khẳng định hoạt động TTKDTM tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, đem lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội, góp phần minh bạch hóa giao dịch trong nền kinh tế và phòng, chống tham nhũng.

Về vai trò của TTKDTM trong công tác phòng chống tham nhũng, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, đại diện Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, việc phòng ngừa tham nhũng đóng vai trò thiết yếu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, điều này được thể hiện qua các vai trò như: Giúp ngăn ngừa hành vi tham nhũng; tăng cường khả năng phát hiện tham nhũng; nâng cao hiệu quả khắc phục hậu quả tham nhũng.

Bên cạnh đó, TTKDTM là một trong 6 nhóm biện pháp cơ bản để phòng ngừa tham nhũng và đã được quy định cụ thể tại Luật Phòng, chống tham nhũng.

Thực tế đã chỉ ra rằng, việc kiềm chế tham nhũng và thúc đẩy sự công khai, minh bạch các dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế làm giảm nguy cơ gian lận, rửa tiền và đóng vai trò tích cực trong phòng ngừa tham nhũng là một trong những lợi ích quan trọng mà nền kinh tế và xã hội có thể nhận được khi áp dụng chính sách TTKDTM.

leftcenterrightdel
Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn tại Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật PCTN do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Ảnh: MN

Theo NHNN, vai trò của TTKDTM được thể hiện trên các lĩnh vực ngăn ngừa, phát hiện và khắc phục hậu quả tham nhũng, cụ thể:

Một là, vai trò trong ngăn ngừa hành vi tham nhũng

Sự minh bạch thông tin là một đặc điểm nổi bật của TTKDTM.

Khác với thanh toán bằng tiền mặt chỉ có 2 bên, TTKDTM có sự tham gia của tối thiểu 3 bên.

Các thông tin về giao dịch và các chủ thể trong giao dịch sẽ được ghi nhận và lưu trữ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Để sử dụng dịch vụ thanh toán, khách hàng phải cung cấp thông tin định danh khi mở tài khoản, tổ chức cung ứng dịch vụ phải kiểm tra xác thực khách hàng để kiểm soát các khâu sau.

Do đó, TTKDTM giúp nâng cao tính minh bạch, quản lý tốt hơn đối với các giao dịch trong nền kinh tế, bao gồm các giao dịch chi tiêu của Chính phủ bởi một trong các đối tượng của tham nhũng là tài sản công, góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa các hành vi tham nhũng.

Hai là, vai trò trong tăng cường khả năng phát hiện tham nhũng

Phạm vi các giao dịch TTKDTM có thể diễn ra trên diện rộng và với hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế.

Khác với thanh toán bằng tiền mặt, không để lại dấu vết, khi TTKDTM được thực hiện qua hệ thống các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán sẽ được lưu vết thông qua các hồ sơ, các giao dịch điện tử.

Theo đó, các khoản thanh toán, chuyển tiền có dấu hiệu đáng ngờ đều có thể được theo dõi, kiểm tra, truy ngược lịch sử giao dịch trong thời gian dài.

Theo quy định về phòng, chống rửa tiền, các giao dịch được cho là đáng ngờ như: Không thể xác định được khách hàng theo thông tin cung cấp; doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến, bất thường về doanh số giao dịch trên tài khoản; dấu hiệu giao dịch đáng ngờ đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán,… phải được báo cáo về cơ sở dữ liệu tập trung của cơ quan phòng, chống rửa tiền là NHNN để lưu trữ, phân tích.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, NHNN đã tiếp nhận khoảng 13.800 báo cáo giao dịch đáng ngờ; căn cứ kết quả phân tích; đã có hơn 700 lượt văn bản chuyển giao, trao đổi thông tin liên quan đến gần 8.300 báo cáo giao dịch đáng ngờ vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

NHNN đã tiếp nhận và xử lý khoảng 2.200 văn bản đề nghị cung cấp thông tin từ các cơ quan chức năng.

Các thông tin do NHNN chuyển giao, cung cấp qua công tác phòng, chống rửa tiền đã hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, xét xử kịp thời nhiều vụ án lớn, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng, rửa tiền nói riêng.

Như vậy, vai trò của TTKDTM giúp tăng cường phát hiện tham nhũng, truy vết nguồn tiền là rất rõ ràng, giúp hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, phát hiện và xét xử kịp thời những vụ án có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng.

Ba là, vai trò trong khắc phục hậu quả tham nhũng

Theo quy định pháp luật Việt Nam, việc thu hồi tài sản tham nhũng do nhiều chủ thể thực hiện với các biện pháp khác nhau, trong đó bao gồm các biện pháp có liên quan trực tiếp đến TTKDTM như: xác minh, truy tìm, truy thu và phong tỏa tài khoản.

Trong hoạt động TTKDTM, tài sản của các tổ chức, cá nhân được lưu dưới dạng giá trị tiền tệ tại các tài khoản trong các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, do đó có thể giúp tăng cường hiệu quả trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn - là một trong các chủ thể của hành vi tham nhũng.

Như vậy, TTKDTM cũng là một công cụ quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền, là một biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi rửa tiền và khắc phục hậu quả tham nhũng một cách hữu hiệu thông qua việc ngăn ngừa tẩu tán tài sản khi phát sinh các vụ việc, hành vi tham nhũng, đồng thời giúp truy thu các tài sản tham nhũng./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra