Đó là chia sẻ của Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật về câu chuyện làm báo với tác động của Trí tuệ nhân tạo hiện nay.
|
|
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh - NVCC) |
PV: Nhiều năm có những nghiên cứu, trải nghiệm và thực hiện ứng dụng công nghệ vào báo chí với Báo điện tử VietnamPlus, ông có thể chia sẻ về sự tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với hoạt động báo chí, truyền thông tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoàng Nhật: AI thật ra đã xuất hiện từ sớm trong hoạt động báo chí tại Việt Nam, từ cách đây dễ đến cả 10 năm. Chẳng hạn ngay từ năm 2014, VietnamPlus đã tiên phong trong việc sử dụng các công cụ như Infogram để trực quan hóa dữ liệu, sử dụng công cụ online Wochit để biên tập video mà không cần cài đặt những phần mềm đắt tiền và tốn kém. Và tới năm 2018 thì VietnamPlus trở thành cơ quan báo chí chính thống đầu tiên sử dụng Chatbot để tương tác với độc giả. Một vài cơ quan báo chí khác cũng ứng dụng AI một cách sớm sủa như Báo Dân trí sử dụng công nghệ Text-to-Voice, Báo Thanh Niên đưa vào sử dụng tòa soạn thông minh, ứng dụng voice-chat cho Chatbot…
Nhưng đó chỉ là nỗ lực cá nhân hay đơn lẻ của một số nhà báo hoặc đơn vị báo chí. Sự dè dặt trong việc áp dụng AI vào hoạt động báo chí ở Việt Nam có thể xuất phát từ việc chúng ta chưa có những hành lang pháp lý cần thiết. Bên cạnh đó là những nỗi nghi ngại về công nghệ quá mới mẻ mà chúng ta còn chưa hiểu hết cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của nó. Chỉ tới khi “quả bom” ChatGPT ra đời, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì AI mới được các tòa soạn nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, thậm chí đưa vào chiến lược phát triển cho những năm tiếp theo.
PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về sự ảnh hưởng của AI đối với hoạt động báo chí, truyền thông tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoàng Nhật: Nhìn chung, AI đã tác động tới mọi khâu trong hoạt động báo chí, từ thu thập dữ liệu, sản xuất cho tới phân tối tin tức. Nói cách khác, Trí tuệ Nhân tạo đã và đang góp phần thúc đẩy hiệu quả công việc, nâng cao sản lượng cũng như chất lượng tin bài tại một số tòa soạn.
Các phóng viên giờ không còn vất vả bóc băng như trước đây khi đã có công nghệ Voice-to-Text. CMS của nhiều tòa soạn đã tích hợp các công cụ soát và sửa lỗi chính tả, gợi ý từ khóa, cách đặt tít… Một số cơ quan báo chí sử dụng AI để phân tích, phân tệp độc giả, qua đó vừa tăng được số lượt truy cập trang web, vừa phục vụ độc giả tốt hơn bằng việc đáp ứng đúng nhu cầu, phân phối tin tức tới đúng đối tượng.
Rồi chưa bao giờ sản xuất các sản phẩm đa phương tiện dễ dàng như bây giờ. Ngay cả đến một cơ quan báo chí địa phương như Báo Đắk Nông cũng sản xuất được các bản tin video nhờ công nghệ trường quay và người dẫn chương trình ảo.
Một lãnh đạo VnExpress từng chia sẻ với tôi, trước đây để sản xuất một bản tin podcast, tòa soạn cần 2-3 nhân sự làm việc trong 2-3 giờ đồng hồ. Giờ đây, chỉ cần một nhân sự làm nhiệm vụ kiểm duyệt ở khâu cuối cùng, thời gian cũng được rút ngắn xuống còn 30 phút. Từ đó, tòa soạn có thể dịch chuyển nhân lực sang sản xuất những sản phẩm báo chí chất lượng cao như báo chí dữ liệu, cũng sử dụng những công cụ AI để trực quan hóa dữ liệu liệu.
PV: Những kết quả cụ thể giúp nâng cao chất lượng tin bài, thu hút độc giả của VietnamPlus được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Nhật: Năm 2018, VietnamPlus từng ra mắt Chatbot đầu tiên, tương tác dưới dạng văn bản. Nhưng giờ thì độc giả đã có thể tương tác với bot bằng giọng nói khi yêu cầu nghe các bản tin Podcast trên loa thông minh Oilli sử dụng trợ lý ảo Maika.
Trước đây, việc sản xuất những Infographic của tòa soạn phụ thuộc vào một họa sĩ thiết kế duy nhất. Giờ khi có các công cụ sử dụng AI, ngay cả các biên tập viên bình thường, gần như không biết sử dụng Photoshop hay Adobe Illustrated cũng có thể thiết kế những đồ họa bắt mắt, thu hút nhiều lượng truy cập cũng như nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội.
Hay một ví dụ khác, các biên tập viên giờ cũng không phải vất vả đi kiếm ảnh minh họa cho nhiều bài báo khi đã có công nghệ Text-to-Image. Nhờ đó chúng tôi cũng tránh được những rắc rối liên quan đến bản quyền hình ảnh nếu như có biên tập viên nào đó lỡ tải một bức ảnh từ nguồn nước ngoài mà chưa xin phép.
Thời gian tới, VietnamPlus sẽ hướng tới việc sử dụng AI để lọc dữ liệu phục vụ cho phát triển báo chí dữ liệu, hay tự động đóng gói các bản tin phù hợp phục vụ từng đối tượng độc giả, cũng như dùng AI để phân tích sâu hơn các tệp người dùng, qua đó phục vụ độc giả một cách tốt hơn.
PV: Phó Tổng Biên tập có thể chia sẻ những ứng dụng công nghệ thông tin gắn với Chuyển đổi số (CĐS) giúp VietnamPlus thăng hạng và duy trì là một trong các cơ quan báo chí CĐS hàng đầu theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyên thông?
Ông Nguyễn Hoàng Nhật: Các tiêu chí trong xếp hạng mức độ trưởng thành CĐS Báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đều đã được VietnamPlus theo đuổi và thực hiện trong nhiều năm.
Chúng tôi xác định việc phát triển độc giả là bước đi tối quan trọng nhằm lan tỏa rộng rãi những chính sách của Đảng và Nhà nước. Một khi độc giả có xu hướng rời bỏ các nền tảng truyền thống thì tòa soạn cũng phải xây dựng các kênh trên những nền tảng số phổ biến, hướng tới việc phát triển độc giả trẻ, những người thích sử dụng thiết bị di động và sẵn sàng trải nghiệm những thứ mới mẻ.
Đương nhiên cũng không vì thế mà tòa soạn bỏ qua việc phát triển độc giả trên nền tảng truyền thống, qua việc xác định chiến lược Mobile First là ưu tiên hàng đầu. Trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập báo (tháng 11/2023), VietnamPlus đã cho ra mắt bản WebApp cũng như MiniApp trên Zalo, bên cạnh những sản phẩm sẵn có là Newsletter và WebPush, nhằm hiện thực hóa chiến lược đóng gói tin tức gửi tới từng đối tượng phù hợp.
Để thực hiện chiến lược đó thì VietnamPlus đã sử dụng nhiều công cụ để phân tích và phân tệp độc giả như Insider, Google News Consumer Insights hay Marfeel, đồng thời kết hợp một số những ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo do Trung tâm Kỹ thuật của TTXVN và một số đơn vị trong nước phát triển.
PV: Để đề xuất một số giải pháp khắc phục, xử lý về ứng dụng AI vào sản xuất nội dung thì theo ông cơ quan báo chí cần chú trọng giải pháp gì?
Ông Nguyễn Hoàng Nhật: Chúng tôi rất tâm đắc với câu nói của chuyên gia Ladina Heimgartner, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức thế giới, đại ý: Báo chí đã để lỡ chuyến tàu công nghệ 4.0, dẫn tới việc bị các nền tảng xuyên biên giới bỏ lại quá xa. Vì vậy, chúng ta không nên bỏ lỡ chuyến tàu AI một lần nữa. VietnamPlus luôn cho rằng việc đưa các ứng dụng AI vào sản xuất báo chí là điều cần thiết, nhưng cần chọn lọc, dung hòa giữa việc tuân thủ các hành lang pháp lý, các lằn ranh đạo đức báo chí với việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Các công cụ AI hàng đầu hiện nay như ChatGPT, CoPilot hay Gemini… đều có thể đóng vai trò như một người trợ lý đích thực của các phóng viên, biên tập viên, từ việc lên ý tưởng cho đến sản xuất các sản phẩm báo chí, đặc biệt là các sản phẩm đa phương tiện. Và để cập nhật nhanh chóng nhất các ứng dụng mới hữu ích thì tòa soạn khuyến khích các phóng viên tham dự các cuộc hội thảo, các khóa đào tạo về báo chí mang tính khu vực hay toàn cầu, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế có uy tín. Cơ hội luôn rộng mở, vấn đề là chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.
PV: Xin cảm ơn ông!