Chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt khi kiểm tra hoạt động của hợp tác xã

Thứ tư, 16/02/2022 09:49
(ThanhtraVietNam) - Chính phủ đã ban hành Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm đối tượng hợp tác xã (HTX) như vi phạm nội dung đăng ký, tổ chức lại, góp vốn… Qua thanh tra, kiểm tra dù có phát hiện vi phạm, nhưng việc xử lý mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa xử phạt bởi các tổ chức này còn khó khăn, quy mô nhỏ, tình hình tài chính yếu kém, các thành viên là đối tượng yếu thế…

Đây là thông tin đáng chú ý được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX) cung cấp khi báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.

Báo cáo này được xây dựng trên cơ sở báo cáo của 10 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; của 63 tỉnh, thành phố và 20 báo cáo chuyên đề, 12 hội thảo chuyên gia, 3 báo cáo khảo sát thực tế.

Thanh tra, kiểm tra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo đó, hành vi vi phạm của các HTX phổ biến trong quá trình kiểm tra là: không hoạt động trong 12 tháng liên tục, không tổ chức đại hội thành viên thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do, không đủ số lượng thành viên tối thiểu trong 12 tháng liên tục, góp vốn tăng vốn điều lệ vượt quá tỷ lệ góp vốn tối đa…

Báo cáo cho thấy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX, các bộ, ngành đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật HTX tại các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân và HTX.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hàng năm trực tiếp tổ chức 4 - 5 đoàn kiểm tra tại các địa phương để đánh giá và rút kinh nghiệm về quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp với các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về kinh tế hợp tác, HTX ở các địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực hiện pháp luật HTX và giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân và đại biểu Quốc hội; việc thực hiện tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng Nông thôn mới (xã nông thôn mới phải có HTX kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và có hoạt động liên kết gắn với chuỗi giá trị sản phẩm - PV).

Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội từ Trung ương đến địa phương đã triển khai công tác giám sát thực hiện Luật HTX nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước các cấp phát hiện những tồn tại, bất cập để khắc phục.

Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX tại các địa phương đã thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình việc thực hiện Luật HTX. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều sai sót và nhắc nhở, yêu cầu các HTX khắc phục nhũng tồn tại; kịp thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của HTX để hướng dẫn giải quyết hoặc kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền giải quyết.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ công tác thực thi pháp luật về HTX trên địa bàn. Liên minh HTX các tỉnh, thành phố phối hợp với UBND cấp huyện giải quyết đơn thư khiếu nại về tình hình sử dụng tài sản và cách thức quản lý điều hành.

leftcenterrightdel
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Tỷ lệ HTX trên dân số còn thấp so với thế giới

Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức thi hành Luật; đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật HTX và hoàn thiện các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2013 - 2020, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể (bao gồm HTX, liên hiệp HTX, không bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác) vào GDP cả nước trung bình khoảng 3,84%/năm. Đây là con số rất thấp so với yêu cầu và có xu hướng giảm (từ 4,03% vào năm 2013 xuống 3,62% vào năm 2020).

Năm 2020, quy mô của khu vực kinh tế tập thể chỉ bằng 40% khu vực kinh tế tư nhân, 10% khu vực kinh tế cá thể, 20% khu vực vốn đầu tư nước ngoài và 13,6% khu vực kinh tế nhà nước, thấp nhất trong các khu vực kinh tế.

Ước tính đến 31/12/2021, cả nước có hơn 27 nghìn HTX, trong đó có hơn 18 nghìn HTX nông nghiệp (67%) và hơn 9 nghìn HTX phi nông nghiệp. So với năm 2013, số lượng HTX tăng gần 8 nghìn HTX (khoảng 41%) chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Dù có nhiều ưu tiên phát triển nhưng tỷ lệ số lượng HTX trên dân số nước ta đạt 0,026%, còn thấp so với mặt bằng chung so với thế giới (0,04%).

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước về HTX mỏng, trình độ năng lực còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình thực hiện Luật HTX chưa được thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện những những khó khăn vướng mắc của HTX để hướng dẫn giải quyết hoặc kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền giải quyết.

Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể xã hội, nhân dân trong kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quá trình hoạt động của các HTX còn hạn chế.

Ngô Tân 

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra