Bộ Khoa học và Công nghệ:

Khiếu nại chủ yếu về xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Thứ hai, 11/10/2021 15:53
(ThanhtraVietNam) - Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Thanh tra Bộ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm, đúng quy trình, từ việc thụ lý đơn, tiếp xúc đối thoại với đương sự trong quá trình giải quyết theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, thời gian qua, đã có hàng nghìn đơn thư chủ yếu liên quan đến xác lập quyền sở hữu công nghiệp được tiếp nhận và giải quyết.

Báo cáo kết quả công tác giải quyết KN, TC  của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, các đơn thư KN, TC thuộc thẩm quyền, đủ điều kiện thụ lý đều được các đơn vị trực thuộc tiếp nhận, phân loại, giải quyết đảm bảo công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.

Từ 01/8/2020 đến 31/7/2021, Bộ nhận được 43 đơn kiến nghị, phản ánh, đề nghị, TC và 1.451 đơn KN (có 2 đơn chưa đủ điều kiện thụ lý, đã giải quyết 1.100 đơn).

Các đơn KN do Thanh tra Bộ và Cục Sở hữu trí tuệ nhận chủ yếu liên quan đến xác lập quyền sở hữu công nghiệp được quy định bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và pháp luật hiện hành không có quy định điều chỉnh những vấn đề đặc thù của khiếu nại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

leftcenterrightdel
Cục Sở hữu trí tuệ đang giải quyết 496 đơn khiếu nại trong số hơn 1.400 đơn các đơn vị trực thuộc Bộ KHCN nhận trong kỳ. Ảnh: Thái Minh

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày một gia tăng dẫn tới nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày càng lớn và sở hữu công nghiệp gắn với các yếu tố kỹ thuật chuyên sâu, có yếu tố nước ngoài.

Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam dù đã tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng các cam kết quốc tế nhưng lĩnh vực sở hữu công nghiệp rất phức tạp, đòi hỏi các quy định về sở hữu công nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, một số chủ thể khi nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định nên khi cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp văn bằng bảo hộ lại phát sinh KN.

Theo Bộ này, số lượng công chức làm công tác thanh tra còn thiếu và chưa tương xứng với khối lượng công việc tăng thêm; các vụ việc thanh tra chuyên ngành (theo chế độ thanh tra đột xuất) và giải quyết KN, TC phức tạp đã ít nhiều ảnh hưởng tới công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

Đăng Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra